NHIỀU NGƯỜI "MẮC LƯỚI"
Nếu không có sự kịp thời vào cuộc của Công an TP.Đông Hà (Quảng Trị) vào đêm 3.10,ẩnthậnvớibẫylừaviệcnhẹlươtiệc trăng máu có lẽ giờ này 10 lao động ở miền Nam đã được đưa xuất cảnh trái phép sang Lào để làm "việc nhẹ lương cao" và ông N.B.M (42 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom, Đồng Nai) sẽ mất đứa con gái 16 tuổi.
Trước đó, từ tin báo của ông M., đêm 3.10, Công an TP.Đông Hà đón lõng ô tô chở 10 người (trong đó có N.N.Q, 16 tuổi, con gái ông M.) từ miền Nam ra và dừng ở Bến xe TP.Đông Hà. Nhóm 10 người độ tuổi thanh thiếu niên này đang chuẩn bị lên xe khác để đi tiếp đến vùng biên giới Hướng Hóa (Quảng Trị), chuẩn bị xuất cảnh trái phép qua Lào. Sau 4 ngày phối hợp làm việc, 10 nạn nhân đã được cho về nhà. Theo Công an TP.Đông Hà, nhóm này có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị dụ dỗ bằng bẫy "việc nhẹ lương cao". Nhiều nạn nhân không có tiền để đón xe về quê, nên lực lượng công an hỗ trợ phương tiện cùng một ít kinh phí để đưa về.
Chưa hết, hôm 5.10, sau khi vượt 1.500 km, tổ công tác đặc biệt của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với cơ quan chức năng nước bạn Lào để giải cứu L.D.N (23 tuổi, trú xã Triệu Độ, H.Triệu Phong, Quảng Trị). Trước đó, cuối tháng 9, N. nghe một người lạ trên mạng xã hội dụ qua làm việc tại xưởng gỗ ở khu vực biên giới Việt - Lào với mức lương cao. Sau đó, N. di chuyển 2 ngày bằng ô tô, thấy quãng đường rất xa liền sinh nghi, lấy điện thoại định vị mới biết mình đang ở gần khu casino ở "Tam giác vàng" (địa điểm giáp ranh giữa 3 nước Thái Lan, Lào, Myanmar). Lợi dụng lúc nhóm người lạ mất cảnh giác, N. chạy đến đồn công an địa phương gần đó rồi được lực lượng chức năng đưa về Quảng Trị…
Cũng hồi giữa tháng 9, lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Trị giải cứu N.Đ.D (21 tuổi, trú tại Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) khi D. bị lừa sang Thái Lan để làm việc, nhưng thực chất là lừa đi… bán thận. D. đi đến H.Sê Pôn (tỉnh Savannakhet, Lào) mới phát hiện nhóm người lạ đi cùng đang tìm cách đưa mình sang Thái Lan để bán thận với giá 1 tỉ đồng. Sau đó, D. tìm cách bỏ trốn, tá túc tại một cây xăng trên địa bàn tỉnh Savannakhet rồi tìm cách liên lạc, gửi thông tin cầu cứu về VN.
KHÔNG DỄ CÓ "VIỆC NHẸ LƯƠNG CAO"
Sau cuộc giải cứu L.D.N, thượng tá Đỗ Duy Hải, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị, cho hay chỉ cần chậm một thời gian nữa thôi, khi N. bị kẻ xấu đưa vào trong khu vực "Tam giác vàng" thì khả năng giải cứu vô cùng khó.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lê Nguyễn Huyền Trang, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị, cho biết lao động rơi vào bẫy "việc nhẹ lương cao" thường là những người trẻ tuổi, không có trình độ, chuyên môn. "Hiện nay, vì những lý do khác nhau, hoặc đang chịu áp lực về mặt tài chính, nên nhiều bạn mong muốn kiếm tiền để trang trải. Trong khi đó, những kẻ lừa đảo lại tung ra nhiều hình thức tinh vi mà người trẻ chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm, năng lực để nhận diện được. Lừa đảo trên mạng là hình thức thường được sử dụng nhiều nhất, với những lời mời hấp dẫn", bà Trang phân tích.
Theo bà Trang, thay vì tìm việc từ những trang mạng không đáng tin cậy, người lao động hãy đến Trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu các công ty, doanh nghiệp được cấp phép để đảm bảo an toàn. Tốt nhất là tìm việc ở các kênh thông tin chính thống như sàn giao dịch việc làm, các đơn vị có uy tín và đủ tư cách pháp nhân sử dụng hoặc đưa người lao động đi làm trong và ngoài nước, không nên qua khâu trung gian. "Những chiêu trò quảng cáo kiểu "việc nhẹ lương cao", "lương cao, chi phí thấp, đi nhanh", "không cần ngoại ngữ, không cần tay nghề"… là một trong những dấu hiệu nhận biết về doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đó có mục đích lừa đảo lao động. Vì trên thực tế không có công việc nào nhẹ nhàng mà lương cao. Khi thấy những dấu hiệu này, mọi người hãy lập tức báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, chính quyền địa phương và cơ quan công an để xác minh, kiểm tra, xử lý", bà Trang nhấn mạnh.