-
Câu chuyện những người nhiều "sổ đỏ" (giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện) thường xuyên được chia sẻ trên mạng xã hội để lan tỏa hành trình thiện nguyện hiến máu cứu người. Cặp vợ chồng ông Thổ Xịt (58 tuổi,ợchồngkhôngbiếtchữnămhiếnmáucứungườnhà bà nữ người dân tộc Chơ-Ro) và bà Võ Thị Dung (54 tuổi) ở xã Bảo Quang, TP.Long Khánh, Đồng Nai là một trong số đó. Suốt 22 năm, họ đã có tổng cộng khoảng 150 lần hiến máu toàn phần.
Tinh thần cho đi
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Xịt cho biết bản thân bắt đầu hiến máu vào năm 2001 khi địa phương vận động người dân tham gia. Ban đầu, ông cũng có chút e ngại, sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khi biết việc này rất có ý nghĩa với người bệnh, ông quyết định đi hiến. Sau lần đó, ông thấy "khỏe re", cơ thể bình thường nên yên tâm và tiếp tục đi hiến những lần sau. Mỗi lần hiến máu toàn phần cách nhau 3 tháng, năm nào ông cũng đều đặn tham gia 3 - 4 lần. Sau vài lần hiến, ông thấy hoạt động này rất hay nên rủ bà xã cùng tham gia. Từ đó đến nay, vợ chồng họ đồng hành cùng nhau trong suốt hành trình ý nghĩa này.
"Lúc đầu tôi rủ bà xã sau đó là động viên hàng xóm cùng đi hiến máu. Bây giờ chỗ tôi rất nhiều người đi hiến máu tình nguyện. Càng đông người đi, lượng máu và nhóm máu thu về sẽ càng nhiều, điều đó có nghĩa người bệnh cũng được cứu nhiều hơn", ông Xịt nói.
Vợ chồng ông chỉ suy nghĩ đơn giản về mục đích hiến máu tình nguyện. Ông không quan tâm, đắn đo về những người nhận máu của mình là ai mà chỉ mong họ sẽ mau khỏe, được sớm xuất viện, có cuộc sống bình yên.
"Gia đình tôi khổ nhưng nhiều người ngoài kia còn khổ hơn vì chẳng may bệnh tật ập đến. Tôi không có tiền hay giàu có về vật chất để giúp đỡ họ nên sẽ san sẻ bằng cách cho đi giọt máu. Điều này cũng khiến vợ chồng tôi vô cùng mãn nguyện", người đàn ông này bộc bạch.
Ai cần dù xa cũng đi ngay
Ngoài những lần hiến máu định kỳ, ông Thổ Xịt còn thực hiện nhiệm vụ "ngân hàng máu sống". Khi có những trường hợp cần máu gấp để phẫu thuật, cấp cứu… người đàn ông này sẵn sàng gác lại công việc, đến bệnh viện truyền máu trực tiếp. Kỷ niệm về lần hiến máu khiến ông nhớ nhất là 10 năm trước, ông đi khoảng 100 km từ Đồng Nai lên Bệnh viện Triều An (Q.Bình Tân, TP.HCM) để chia sẻ giúp nữ bệnh nhân mổ tim. Nhờ những giọt máu đó, bệnh nhân kịp thời qua khỏi cửa tử. "Nhận thông báo cần máu gấp, tôi không chút do dự, lên xe đi liền với hy vọng sẽ cứu được người. Ca mổ tim thành công, tôi rất vui và hạnh phúc. Hôm sau, người nhà bệnh nhân có gặp và gửi lời cảm ơn, tôi càng thấy công việc này nhân văn và có ý nghĩa", ông Xịt trải lòng.
Bà Dung cũng lập thành tích "khủng" khi có số lần hiến máu không kém chồng. Kể lại lần hiến máu đầu tiên, bà nói rằng khi thấy kim tiêm liền "sợ vã mồ hôi".
"Lúc đó tôi thấy hơi hoảng vì nhân viên y tế tìm mãi không lấy được ven ở cánh tay. Lấy máu xong về nhà nhớ lại tôi vẫn còn run vì sợ chết. Tuy nhiên, chồng đi cùng cứ động viên, sau vài lần tôi thấy quen, chính thức vượt qua nỗi sợ", bà kể.
Vợ chồng bà Dung làm vườn tại nhà kiếm thêm thu nhập. Công việc vất vả nhưng họ đều nhớ lịch hiến máu, mỗi đợt không đi trong lòng sẽ thấy bứt rứt, khó chịu. Để đảm bảo chất lượng máu, họ duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. "Chúng tôi sẽ cùng nhau đi hiến máu đến khi nào bác sĩ bảo tuổi già quá, không lấy được máu nữa sẽ dừng lại", bà Dung khẳng định.
Ông Nguyễn Mai Thái Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bảo Quang, cho biết gia đình ông Thổ Xịt là tấm gương điển hình về việc hiến máu nhân đạo. "Xuất phát từ trái tim yêu thương và hưởng ứng lời kêu gọi của địa phương, vợ chồng tham gia nhiệt tình. Tôi rất hoan nghênh tinh thần vì cộng đồng của những người như vợ chồng ông Xịt. Họ còn rủ con cháu, anh em… cùng nhau đi hiến máu", ông Hòa nói.