Con đường đến Nobel, giải thưởng danh giá nhất trong giới khoa học, đang ngày càng kéo dài hơn trước, và gần phân nửa số nhà khoa học đoạt giải giờ đây phải chờ hơn 20 năm kể từ thời điểm đưa ra nghiên cứu xứng đáng đoạt giải Nobel, theo chuyên san Nature.
Một cuộc phân tích cho thấy thời gian trung bình từ lúc công bố báo cáo đến khi có thể nhận giải đã tăng gần gấp đôi trong 60 năm qua.
Trong số 3 giải thưởng khoa học, lĩnh vực hóa học chứng kiến thời gian chờ dài nhất, trung bình khoảng 30 năm trong vòng 10 năm qua. Còn Nobel y sinh hoặc y học có thời gian ngắn nhất, khoảng 26 năm.
Di chúc của nhà sáng lập Alfred Nobel đề cập rõ giải thưởng sẽ được trao cho "những ai, vào năm trước đó, đã tạo ra đóng góp lớn nhất cho nhân loại".
Thế nhưng, trên thực tế việc thi hành "đúng y chang" di chúc chỉ được vài lần. Còn lại, trong nửa đầu thế kỷ 20, người nhận giải Nobel thông thường trong độ tuổi 30. Và đến nay, khả năng này càng trở nên quá xa vời, theo chuyên gia Santo Fortunato, hiện là nhà khoa học xã hội máy tính của Đại học Indiana (Mỹ).
Nhà khoa học máy tính xã hội Yian Yin của Đại học Cornell (Mỹ) đưa ra một số lý do để giải thích xu hướng trên. Theo đó, tổng số nghiên cứu đột phá đang gia tăng mỗi năm, vì thế việc mỗi năm chỉ có một giải trong từng hạng mục thực sự không đủ đáp ứng số lượng người có thể đoạt giải.
Một lý do khác là tầm quan trọng của không ít nghiên cứu chỉ được công nhận sau nhiều năm hoặc vài thập niên kể từ khi được công bố, và chuyên gia Yin gọi những trường hợp này là "công chúa ngủ trong rừng".
Bên cạnh đó, số báo cáo đóng vai trò thực sự đột phá và mở ra hướng mới đang hiếm đi, và điều này có thể khiến hội đồng Nobel tập trung hơn vào những nghiên cứu trong quá khứ.