Một ngày sau khi OpenAI sa thải CEO Sam Altman và loại Greg Brockman khỏi hội đồng quản trị,ươnglaibấtổntạiOpenAIsauvụlậtđổgunny origin các nhà đầu tư đang gây sức ép để ban quản trị công ty đưa Altman trở lại vị trí điều hành. Các nỗ lực này chưa có kết quả, nhưng nhiều nhà phân tích đánh giá vị trí của Altman rất khó để thay thế và tương lai của thế giới AI có thể chịu nhiều biến động từ sự thay đổi đột ngột này.
Vai trò của Sam Altman
Là nhà đồng sáng lập của OpenAI từ 2015, Altman cùng Elon Musk và các nhà khoa học khác mong muốn xây dựng một dự án về trí tuệ nhân tạo vượt trội so với con người, nhưng sẽ trao quyền điều khiển chúng cho nhân loại thay vì một tập đoàn nào đó. Năm 2018, Altman được cho là đã từ chối khi Musk muốn tiếp quản công ty, và tự đặt mình vào ghế nóng với tư cách Giám đốc điều hành.
Không phải nhà khoa học, Altman không trực tiếp đứng tên trong bất kỳ thành tựu kỹ thuật quan trọng nào của công ty. Ông luôn khẳng định mình không phải người quan trọng nhất tại OpenAI. "Ở đây chúng tôi có một đội ngũ cực kỳ tuyệt vời có thể làm được nhiều việc, vì vậy chủ yếu là tôi chiều theo họ", ông nói trong một cuộc trao đổi với truyền thông hồi tháng 5, khi được hỏi về hoạt động của công ty sẽ thế nào nếu ông vắng mặt.
Tuy nhiên theo giới phân tích, Altman không chỉ đóng vai trò quan trọng tại OpenAI nói riêng mà với cả thế giới AI nói chung. "Sau khi ChatGPT ra mắt, Altman không chỉ là gương mặt đại diện cho OpenAI mà còn đại diện cho lời hứa và sức mạnh nguy hiểm tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo", Wired nhận xét.
Thách thức trong việc đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT là cần hàng tỷ USD và cơ sở hạ tầng điện toán khổng lồ. Altman đóng vai trò quan trọng trong việc đưa về công ty 13 tỷ USD đầu tư từ Microsoft, đồng thời chuyển hướng OpenAI từ một tổ chức phi lợi nhuận ban đầu thành một công ty vì lợi nhuận nhằm phát triển lâu dài.
Dưới sự dẫn dắt của Altman, OpenAI chuyển mình từ một phòng nghiên cứu nhỏ trở thành nhà phát triển hàng đầu, sở hữu một trong những công nghệ mạnh nhất thế giới. Tại Thung lũng Silicon, ông là một trong những nhà lãnh đạo được ngưỡng mộ nhất trong ngành công nghệ. Hồi tháng 9, Timesmô tả Altman là "người quyền lực nhất trong lĩnh vực AI hiện nay".
Kể từ sau hiện tượng ChatGPT, ông thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện lớn về công nghệ, thậm chí chính trị, gặp gỡ các CEO của những tập đoàn hàng đầu, các quan chức chính phủ, người đứng đầu của nhiều quốc gia để nói về AI. Tuy nhiên, điều này được cho là đã khiến Altman đi xa khỏi mục tiêu ban đầu của dự án, là nguồn cơn khiến các thành viên ban quản trị, dẫn đầu là Ilya Sutskever, không hài lòng và quyết định sa thải Altman hôm 17/11.
"Chúng ta đang thực hiện nhiệm vụ với sứ mệnh của một tổ chức phi lợi nhuận, đó là đảm bảo OpenAI xây dựng AI tổng quát (AGI) có lợi cho toàn nhân loại", Sutskever, nhà khoa học trưởng tại OpenAI - người chịu trách nhiệm hạn chế tác hại xã hội mà AI có thể gây ra, nói sau khi Altman bị sa thải.
Những biến động có thể xảy ra
"Những người vụng về đó muốn chịu trách nhiệm về sự an toàn của nhân loại?" nhà khoa học AI Pedro Domingos thẳng thắn chỉ trích hội đồng quản trị hiện tại của OpenAI sau cuộc lật đổ Altman.
Giới công nghệ đang "chia phe" giữa một bên ủng hộ hội đồng quản trị OpenAI, một bên bênh vực Sam Altman. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quyết định đột ngột của công ty cho thấy bản thân những người muốn kiểm soát AI còn chưa thể kiểm soát được chính những quyết định của họ, và có thể đẩy OpenAI vào một mớ hỗn độn.
Giám đốc điều hành tạm thời Mura Murati được đánh giá sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như lấy lại hình ảnh công ty trước nhà đầu tư nhằm giải quyết bài toán về tiền, đáp ứng hoạt động của các cỗ máy đang tiêu tốn hàng triệu USD mỗi ngày. Dù nhà đầu tư lớn nhất Microsoft khẳng định ủng hộ OpenAI, họ chắc chắn không vui khi dự án họ đặt cược hàng tỷ USD rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Ngoài ra, Murati với danh nghĩa "tạm thời" sẽ gặp nhiều khó khăn khi xây dựng lại mối quan hệ mà Altman đã tạo dựng với các quan chức chính phủ cũng như các đối tác và nhà phát triển.
"Động thái báo hiệu tương lai thực sự khó lường. Điều này thật tồi tệ đối với các công ty đang lên kế hoạch hợp tác với OpenAI", Josh Wolfe, đại diện của Lux Capital, nhận xét. Theo CNBC, trong bối cảnh hàng loạt công ty phát triển mô hình ngôn ngữ lớn mạnh mẽ như hiện nay, sự bất ổn chỉ khiến OpenAI mất đi lợi thế cạnh tranh so với đối thủ như Google hay thậm chí các công ty khởi nghiệp như Anthropic - do chính các nhân viên cũ của OpenAI thành lập năm 2021.
OpenAI cũng sẽ đối mặt với việc chảy máu chất xám, khi các nhà khoa học sẽ cân nhắc giữa việc đi theo vị CEO từng đưa họ lên đỉnh cao thế giới, hay ở lại với một công ty muốn thận trọng phát triển AI.
Hiện Altman chưa đưa ra thông báo nào về dự định tương lai. Trong dòng trạng thái mới nhất trên X, ông nói "vẫn yêu đội ngũ OpenAI rất nhiều". Theo The Information, Altman nói với các nhà đầu tư rằng ông đang lên kế hoạch thành lập một công ty về trí tuệ nhân tạo, nhưng chưa rõ quy mô và hình thức hoạt động. Nguồn tin cũng cho biết Altman đã thảo luận với các công ty bán dẫn, trong đó có nhà thiết kế chip ARM, về việc tạo mẫu chip AI mới có sức mạnh lớn và tiết kiệm điện năng nhằm giảm chi phí huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Tuy vậy, không rõ cuộc đàm phán diễn ra khi ông đại diện OpenAI, hay đã bị cho thôi việc.
Lưu Quý