"Nhà tôi có sân thượng rộng,ảndầnđềukhiđầutưchụctriệutrồnghoabancôngsânthượphạm khánh hưng thoáng nên cũng đua đòi mua hoa hồng về trồng. Tôi cũng chịu khó trộn đất, bón phân, phun thuốc. Tôi vác đất, vác chậu từ tầng một lên tầng bốn đến sụm lưng. Sau đó, tôi thức đêm trộn đất lên chậu cho cây mới mua vì háo hức.
Được hai, ba năm đầu hoa ra đẹp bõ công vất vả. Sau đó cây bị trĩ, nhện đỏ hoành hành, phun thuốc mà không hết bệnh. Thế là nản quá đành chuyển sang trồng mấy cây lá đẹp dễ sống. Cũng được thêm năm thì quét dọn đất cát, lá rụng mệt quá nên tôi dẹp đi hết.
Sơ sơ tiền cây đã hơn chục triệu, chưa tính tiền chậu, đất, phân thuốc... rồi còn mất tiền thuê người bê đất xuống sân hộ. Điều an ủi là khi trồng được một năm thì sân thượng hết chỗ nên tôi đã đi mua một mảnh đất rộng ở ngoại thành để thỏa mãn ước mơ về già sống trong căn nhà giữa vườn hồng".
Độc giả có nickname Mẹ Bảo Vân chia sẻ câu chuyện vừa tốn tiền, vừa tốn công sau vài năm đeo đuổi thú vui trồng cây trên sân thượng sau bài viết Mất tiền vì ôm mộng làm vườn trên ban công chung cư.
Ở các đô thị lớn, nơi sinh sống chỉ xoay quanh diện tích sử dụng của căn hộ, nhà ống nên nhu cầu về không gian xanh với các loại cây cối rất lớn. Vì thế, nhiều hộ gia đình đã tận dụng không gian thừa như sân thượng, ban công căn hộ chung cư để thỏa mãn nhu cầu này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội được ngắm cây xanh và hái rau quả mỗi ngày. Bạn đọc có nickname dungmb1007từng trồng cây ở ban công chung cư chia sẻ:
"Tôi cũng mất khá nhiều tiền và công sức vào việc trồng cây ở ban công căn hộ. Thậm chí tôi còn lắp cả hệ thống tưới nước tự động có hẹn giờ nhưng cây cứ héo úa rồi chết dần. Sau đó tôi chán, bỏ hết đi để lại mấy chậu cây sử quân tử, tôi chẳng chăm bón thì nó lại mọc xanh mướt, vào mùa hoa nở rực rỡ nhưng không phù hợp với không gian ban công vì nó quá bé".
Tương tự, độc giả doanhndtự rút ra bài học sau khi dày công thiết kế một bộ thủy canh:
"Tôi mất rất nhiều công đọc sách tự thiết kế chế tạo một bộ thủy canh hồi lưu tự động bơm nước có đèn LED chiếu sáng từng dàn. Lúc đầu cũng vui nhưng rau và hoa chỉ được một vài loại tươi tốt, các loại khác còi cọc nên sau đó thành độc canh, chỉ trồng một loại cây mà thôi. Nhìn cũng mát mắt nhưng đơn điệu quá đâm ra chán.
Cuối cùng, tôi chả muốn chăm sóc nữa nên vợ tôi lấy dàn thủy canh làm chỗ treo mấy giò phong lan. Trồng vài cây hoa vớ vẩn nói chung mất công nhưng được tí kiến thức nông nghiệp. Bài học rút ra là mua hoa về cắm cho nhanh, thích ăn rau gì thì ra chợ mua".
Những rắc rối về vệ sinh khi trồng cây từ kinh nghiệm của độc giả Nguyen Vychia sẻ:
"Hồi trước tôi cũng thích trồng cây nên sau xây nhà xong thì trên sân thượng, ban công các tầng tôi đều trồng cây. Trồng một thời gian tôi dẹp hết vì:
Một là không có thời gian chăm sóc. Hai là dơ, vì mỗi lần tưới nước đất dễ rơi ra ngoài và nếu không dọn dẹp kỹ thì tới mùa mưa, lá cây, đất bít đường thoát nước, nếu lỡ đi ra ngoài mà trời mưa lớn là nước dễ tràn vô nhà. Vậy nên rút kinh nghiệm, sau này tôi chỉ trồng mỗi cây lan vì sạch sẽ, dễ chăm".
Trong khi đó, theo một chuyên gia, lỗi sai lớn nhất của nhiều người là nhầm tưởng rằng làm vườn trên ban công đơn giản chỉ cần mua cây về cho vào chậu. Trên thực tế, một quy trình làm vườn cần đảm bảo đủ 4 bước quan trọng gồm: khảo sát hướng nắng, chọn cây phù hợp, sau đó áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc đúng.
Độc giả Phạm Thành Trungchia sẻ: "Tôi may mắn ở một chung cư tái định cư, có tuổi thọ gần 20 năm, nhưng thiết kế thông thoáng tuyệt vời, đặc biệt có ban công đúng nghĩa là ban công chìa ra ngoài. Ban công này khác với phần lớn chung cư hiện nay xây hình cái hộp, nói là ban công nhưng thực tế nằm lùi vào, bị chặn tường hai bên, nên hoặc cực nắng nếu trực diện hướng tây hoặc thiếu nắng.
Ban công chung cư của tôi còn một điểm hay là họ làm sẵn bậu trồng cây, bao quanh 2 mặt thoáng của nhà, có thể chứa rất nhiều đất và trồng được bất kỳ loại cây gì, miễn có kích thước vừa phải.
Ngày nào nhà tôi cũng kéo ghế ngồi ban công để 'chill', nói chuyện, cuộc sống thật dễ chịu. Về việc chăm sóc, thật tình chẳng làm gì nhiều ngoài việc mua đất bao về đổ vào cho đầy bậu, rồi hàng ngày bỏ rác rau, củ, quả rải đều, chăm chỉ thì cắt nhỏ, nước thỉnh thoảng tưới.
Có lớp phủ rác nhà bếp, mặt đất lúc nào cũng được che phủ, cung cấp thức ăn cho vi sinh vật, các bạn ấy làm việc rất chăm chỉ, còn tôi thì có cái thú nhìn các bạn làm việc, theo dõi rác dần dần được phân hủy trở thành dinh dưỡng cho đất nuôi cây".
Độc giả phanngocthuy8388: "Tôi thấy cây cảnh trồng ở ban công dễ sống. Tôi mua cây cảnh ngoài chợ về thế nào thì để nguyên đất như thế, chỉ thay mỗi cái chậu, chậu đẹp rồi thì để nguyên.
Cây nào ưa nắng như hoa giấy, hoa hồng thì tôi để phía ngoài, cây nào ưa bóng râm tôi để phía trong. Cây hoa giấy nhà tôi ra hoa suốt từ đầu hè đến giờ vẫn chưa hết hoa. Mấy cây trầu bà phía trong tôi phải cắt tỉa liên tục vì nó dài quá, có đợt tôi không cắt thì nó phủ kín cả hành lang ban công, bò trên nền gạch hoa y hệt như trên đất. Mấy nhánh phía ngoài cây trầu bà phủ dài từ tầng 4 xuống tầng 1, không cắt chắc nó dài xuống sân. Tôi chỉ tưới nước, chẳng bón phân, thỉnh thoảng tôi đổ hoa, lá bị rụng vào gốc cây làm phân bón".
Vấn đề vun đắp thêm không gian xanh ở đô thị hay thỏa mãn nhu cầu làm vườn, trồng rau để cải thiện bữa ăn, tiết kiệm chi phí cho gia đình sẽ không thành không nếu gia chủ làm theo kiểu tùy hứng. Để cây sống được, tùy theo hoàn cảnh nơi sống mà nghiên cứu, học hỏi, tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước.
Độc giả Việtchia sẻ kinh nghiệm:
"Nên tìm cây phù hợp hướng ban công, tìm cây phù hợp với thời gian mình có để dành chăm sóc cho cây, tìm hiểu kỹ về đất trồng, cách bón phân tưới nước phù hợp với loại cây được trồng.
Đối với người mới tập trồng thì nên chọn loại cây dễ sống, có kinh nghiệm rồi mới trồng loại khó chăm, nên trồng từ từ chứ không nên trồng quá nhiều cùng một lúc.
Tôi mới trồng cây trên ban công và sân thượng được hai năm mà cây đang phát triển tốt nên rất hứng thú, có chút kinh nghiệm chia sẻ với mọi người mong rằng có thể giúp ích cho ai đó".
Hữu Nghịtổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.